Những ngày giữa tháng 11,ệnchưabiếtvềgiađìnhnữgiáosưtoánhọcđầutiêncủaViệmạng mobifone GS - TSKH Hoàng Xuân Sính vẫn thường xuyên đến văn phòng Trường ĐH Thăng Long làm việc, ngôi trường mà bà dành nhiều tâm huyết để sáng lập.
Bà Sính là nữ giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam; đại biểu Quốc hội khóa VII (năm 2004); Phó chủ tịch Đoàn chủ tịch MTTQ Việt Nam khóa VI (năm 2004), Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (nhiệm kỳ 1987 - 1992) là Nhà giáo Nhân dân và tác giả nhiều cuốn sách giáo khoa toán phổ thông và đại học.
"Liều mình" gặp Tổng Bí thư xin mở trường
Bà Sính sinh năm 1933 ở làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội (nay là P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy). Sau khi tốt nghiệp bằng tú tài 1 ở Trường THPT Chu Văn An, bà sang Pháp du học tại Trường ĐH Toulouse.
Trở thành thạc sĩ ở Pháp là một việc vô cùng khó khăn nhưng bà đã làm được ở tuổi 26. Giữa lúc con đường làm khoa học đang rộng mở, bà đã lựa chọn trở về để cống hiến cho Tổ quốc. Năm 1960, bà trở về Việt Nam và chọn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là nơi công tác. Thời điểm đó, số lượng tiến sĩ toán học tại Việt Nam "đếm trên đầu ngón tay". Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ có một tiến sĩ duy nhất là GS Nguyễn Cảnh Toàn.
Là trưởng bộ môn toán học giữa lúc kháng chiến chống Mỹ đang vào giai đoạn căng thẳng nhất, bà Sính khi ấy phải dìu dắt, bổ túc và giúp đỡ các sinh viên phát triển năng lực, đồng thời tự mày mò để làm luận án tiến sĩ.
Năm 1967, nhân cơ hội "thiên tài toán học thế kỷ 20" Alexander Grothendieck (người Pháp) sang Việt Nam dạy học 3 tuần, bà Sính hẹn gặp và xin được ông hướng dẫn làm luận án tiến sĩ. GS Grothendieck nhận lời.
Trong 5 năm làm luận án tiến sĩ (từ 1967 - 1972), hai thầy trò chỉ gửi cho nhau vỏn vẹn 5 bức thư, mỗi bức thư cách nhau ít nhất 8 tháng. Ngoài việc trao đổi về kiến thức, GS Grothendieck từng nói với bà Sính "nếu không làm được bài toán khả nghịch thì bỏ đó, không cần làm nữa". Tất nhiên, bà Sính không chịu bỏ cuộc. Ở bức thư tiếp theo, bà cho hay "đã thành công đảo ngược các vật thể". Đến bức thư cuối cùng, bà thông báo đã hoàn thành dàn bài luận án tiến sĩ.
Ban ngày đi dạy, tối đến, bà viết luận án tiến sĩ. Dưới ánh đèn dầu được che kín trong căn nhà tranh vách đất ở nơi sơ tán, bà rất sợ bị máy bay địch phát hiện vì B52 luôn "gầm rú" ở trên đầu.
Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không thắng lợi cũng là lúc bà Sính hoàn thành luận án TS. Năm 1973, luận án viết tay dài 200 trang bằng tiếng Pháp với chủ đề "Gr-Catégories" (Gr - Phạm trù) của bà được gửi đến Pháp cho GS Grothendieck.
Làm xong luận án, bà Sính muốn sang Pháp ngay để bảo vệ. Thế nhưng, nhiều ý kiến phản đối do lo ngại bà đi sẽ không trở về nữa. Mãi đến năm 1975, bà mới có cơ hội.
Tháng 7.1975, luận án của bà được bảo vệ thành công tại Đại học Paris 7, với hội đồng chấm gồm những nhà toán học nổi tiếng như GS Henri Cartan, GS Alexandre Grothendieck… Bà cũng là người đầu tiên từ trong nước ra nước ngoài bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về toán học.
Lần thứ 2 từ Pháp trở về nước, GS Sính tiếp tục dốc sức đào tạo cho nền giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, thời điểm này đất nước vô cùng khó khăn. Nhiều giảng viên sáng đi dạy tối đi bán lạc rang, chè đỗ đen... Họ không thể toàn tâm toàn trí cho việc giảng dạy và nghiên cứu.
Một ngày nọ, GS Bùi Trọng Liễu - khi ấy đang giảng dạy tại Đại học Paris 5, gửi thư cho 5 nhà khoa học danh tiếng trong nước gồm GS Hoàng Xuân Sính, GS Hoàng Tụy, GS Phan Đình Diệu, GS Nguyễn Đình Chí và GS Bùi Trọng Lựu.
Trong thư, GS Liễu ngỏ ý các nhà khoa học cùng nhau lập nên một trường đại học tư thục để khắc phục những nhược điểm của trường đại học công lập lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, sẽ giúp đời sống của cán bộ giảng viên bớt khổ, từ đó cống hiến toàn bộ tâm huyết cho giáo dục.
"Chúng tôi đã họp bàn về chuyện này rất nhiều lần. Muốn thành lập trường thì phải xin phép nhưng thời buổi lúc ấy nhắc đến chữ "tư" có thể bị từ chối ngay", GS Sính nhớ lại và cho biết sau đó bà đã viết thư gửi lên Bộ Đại học (nay là Bộ GD-ĐT), cùng với chữ ký của 5 nhà khoa học khác. Tuy nhiên, không nhận được phản hồi.
Không chịu từ bỏ, GS Sính một mình tới gặp cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để xin mở trường nhưng không dùng tiền của Nhà nước.
"Không hiểu lúc đó làm sao tôi liều thế! Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đồng ý. Sau đó, Ban Khoa giáo T.Ư (nay là Ban Tuyên giáo T.Ư), rồi Bộ Đại học đều mời tôi lên nói chuyện", bà Sính kể.
Năm 1988, Trung tâm ĐH dân lập Thăng Long - trường đại học dân lập đầu tiên ở Việt Nam ra đời. Về học phí, GS Sính quyết định lấy học phí tương đương với 10 kg gạo cho mỗi sinh viên theo học. Tuy nhiên, số tiền này cũng chỉ đủ để trả tiền thuê cơ sở, gồm 1 lớp học, 1/2 căn phòng được ngăn ra để tiếp sinh viên và tiền thuê cán bộ trực văn phòng. Ngoài ra, toàn bộ tiền lương chi trả cho giảng viên (5 USD/giờ) đều phải dựa vào nguồn quyên góp từ các giáo sư Việt kiều ở Pháp, do GS Bùi Trọng Liễu gửi về.
Thời gian đầu, mọi thứ vẫn ổn nhờ nguồn tiền quyên góp. 3 năm sau, nhà trường mất đi nguồn tiền này nên rơi vào giai đoạn khó khăn. Không chịu lùi bước, GS Sính đứng lên dồn mọi nguồn tài chính của mình cho trường, thậm chí, bà sang Pháp tìm nguồn quyên góp mới để có thể duy trì hoạt động.
Năm 1994, khi tiến hành tổng kết mô hình thí điểm trường đại học dân lập, ĐH Thăng Long được Bộ GD-ĐT đánh giá đạt về mặt học thuật nhưng về tài chính, mô hình không thể đứng vững nếu chỉ trông vào tiền quyên góp để trả lương cho giảng viên. Tuy nhiên, các vấn đề về tài chính có thể dần tháo gỡ, đó là tiền đề để hệ thống các trường đại học ngoài công lập phát triển như hiện nay.
Chuyện chưa biết về gia đình nữ giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam
Hiện nay, ở tuổi 90, GS Hoàng Xuân Sính vẫn giữ thói quen dậy sớm, tập thể dục, đọc báo tiếng Việt, tiếng Pháp để nắm bắt tin tức, xu hướng đào tạo trong nước và thế giới. Đặc biệt, bà vẫn tới Trường ĐH Thăng Long để điều hành việc giảng dạy, đào tạo… và giúp đỡ các nghiên cứu sinh.
"Tôi biết tuổi mình cao, sức khỏe đã yếu đi nhưng đã bắt đầu với ngôi trường này rồi thì tôi sẽ dừng khi nó phát triển tốt. Hiện nay, tôi đã có thể yên tâm được rồi", bà Sính nói. Bà miệt mài nghiên cứu và hướng dẫn lớp kế cận, vì với bà đó là điều hạnh phúc nhất.
Bà thường khuyên con, cháu rằng, phải sống lương thiện và có trách nhiệm với công việc, gia đình, xã hội. Không nhất thiết phải làm "ông nọ, bà kia" nhưng nhất định làm việc có trách nhiệm, phải nghĩ đến người khác, phải đặt mình vào vị trí của người khác.
GS Hoàng Xuân Sính xuất thân trong một gia đình nho giáo, cụ tổ và ông nội đi theo khoa cử. Bố bà học Tây học. Thời đó, cũng như những phụ nữ khác, mẹ bà không được đến trường. Bà ở nhà tập trung vào buôn bán nhưng lại rất giỏi chữ nho. Mẹ bà khát khao được học nên đã truyền tình yêu đó cho con. Chính bà là người mong muốn GS Sính sang Pháp học. Năm 1951, bà Sính được người cậu ruột (kỹ sư Nguyễn Văn Phúc - Việt kiều Pháp, người giúp nước nhà sản xuất máy bay TL-1 - chiếc máy bay "made in VietNam" đầu tiên) đón sang theo học tại Trường ĐH Toulouse ở Pháp.
"Tôi hiểu được tâm nguyện của bố mẹ. Cả nhà tôi ai cũng tâm niệm là sẽ lập nghiệp bằng con đường học vấn, nên tôi đã cố gắng", bà Sính nói.
Cũng có lẽ vì truyền thống là một gia đình tri thức nên các con, cháu của bà đều lựa chọn con đường giảng dạy, cống hiến cho khoa học, giáo dục nước nhà. Hiện nay, trong gia đình, ngoài bà Sính là GS thì con dâu của bà là Trần Thị Ngọc Lan (65 tuổi) cũng là nữ PGS - TS đầu tiên trong ngành thanh nhạc, đã để lại rất nhiều dấu ấn cho nền âm nhạc nước nhà. Dù không am hiểu sâu về âm nhạc nhưng GS Sính luôn đánh giá cao tinh thần tự học, nghiên cứu không ngừng của bà Lan.
"Tôi đã qua một số trường nước ngoài, thì môn âm nhạc rất được chú ý. Khi tôi học ở Pháp, môn âm nhạc người ta coi trọng tới độ, chỉ cần có 1 học sinh đăng ký piano, violon... là họ sẽ mở lớp để dạy. Họ đầu tư nhiều về âm nhạc vì rất cần cho đời sống. Tôi rất ủng hộ và vui khi con dâu tôi đã có thời gian dài du học và làm nghiên cứu trong lĩnh vực này".
Cháu nội duy nhất của bà là chị Trương Nhật Hoa (32 tuổi) cũng là nữ tri thức ưu tú. Hoa tốt nghiệp bằng cử nhân Kinh tế tại Học viện quản lý Singapore, thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Nice Sophia Antipolis (nay là ĐH Côte D'azur (Pháp)), tiến sĩ Kinh tế phát triển tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Điều đặc biệt ở người cháu này, là chưa từng bị bà và bố mẹ ép đi học thêm hay yêu cầu phải học trong trường chuyên, lớp chọn.
"Tôi tự hào khi các thành viên trong gia đình đều tự học, trong công việc thì rất trách nhiệm, kỷ luật và tự lập. Đó là cái không khí gia đình tự có. Bản thân tôi mong muốn các con, các cháu làm nhà khoa học nhưng thấy cháu không có hứng thú về môn toán nên tôi cũng không ép. Cháu có năng khiếu về vẽ và âm nhạc nên tôi để cháu phát triển toàn diện, tự lựa chọn hướng đi của mình", bà Sính tiết lộ.
Bà Sính kể, khi Hoa học cấp 1, hồi đó có hình thức, cô giáo cho học sinh thi trước dạng đề ở lớp học thêm. Do không đi học thêm nên điểm thi toán của Hoa kém hơn các bạn trong lớp. Thậm chí, Hoa còn bị cô giáo nói rằng, "là cháu nhà toán học mà không có năng khiếu về toán".
"Tôi biết cháu rất áp lực và khổ tâm nên chỉ biết động viên cháu, giúp cháu hiểu ra bản chất của công thức toán học, thay vì luyện các dạng bài cụ thể. Tôi hiểu rằng những điểm thi trên lớp chưa thể đánh giá năng lực của cháu cũng như những em không đi học thêm nhà thầy cô. Có lần, tôi hỏi cháu rằng, cháu có tự tin không, cháu đáp lại "tự tin" thì tôi vững tâm. Sau đó, cháu cố gắng học tập và vượt qua tất cả các kỳ thi. Việc tự học sẽ giúp trẻ con không sợ học và sẽ có năng lực để tự học suốt đời", bà Sính chia sẻ.
Đặc biệt, GS Sính luôn lưu tâm, nhắc cháu mình phải học ngoại ngữ. Bởi học ngoại ngữ không chỉ giúp chúng ta tự tin giao tiếp mà còn giúp tiếp cận được với nguồn tri thức bao la của nhân loại.
Đừng làm tiến sĩ "giấy"
GS Hoàng Xuân Sính cho rằng, ngày nay, khi công nghệ phát triển, thế hệ trẻ càng phải học tập không ngừng nghỉ.
"Trước đây thời của chúng tôi khó khăn lắm. Buổi sáng 6 giờ 30 phải lên lớp thì phải dậy từ 5 giờ 30 do nhà cách trường 8 km. Dạy học hết ban ngày thì buổi tối phải họp vì ngày đó không cho họp vào giờ hành chính, về nhà là 10 giờ đêm. Con trai tôi ở nhà phải tự ăn uống, tự chơi chứ làm gì có ai trông coi", bà Sính nhớ lại.
Cũng chính vì đi ra từ gian khó, từ khói lửa chiến tranh, bà luôn khuyên con cháu đặt việc học lên hàng đầu. "Nếu làm tiến sĩ phục vụ cho công việc của mình, tham gia công tác giảng dạy thì hãy học, đừng làm tiến sĩ "giấy"", bà nhắn nhủ.
Là người cháu duy nhất nhưng TS. Trương Nhật Hoa không được nuông chiều. "Thủa nhỏ tôi không được cho tiền tiêu vặt, cũng không có tiền đi chơi như các bạn nên thường ở nhà với bà. Tôi thấy bà và các bạn chăm chú, nghiêm túc bàn luận về khoa học. Không khí đó, tới giờ tôi vẫn còn nhớ.
Tôi vẫn thầm cảm ơn vì bà và bố mẹ đã không ép tôi học thêm, không "gò" tôi phải vào trường chuyên, lớp chọn, kỳ vọng tôi trở thành một người khác. Tôi được lớn lên một cách thoải mái, tự nhiên nhưng nề nếp", chị Hoa nói.
Nữ tiến sĩ tiết lộ, bà Sính có điểm đặc biệt, mỗi khi quý ai, bà thường định hướng người ấy đi học tiến sĩ, chồng của chị là một ví dụ. Hai vợ chồng chị kết hôn năm 2022, khi đó, chồng chị tốt nghiệp thạc sĩ ở Pháp nhưng hiện nay đã là nghiên cứu sinh, đang làm luận án tiến sĩ.
"Tôi nhớ nhất là thời điểm 2 gia đình đang dạm ngõ bà bảo phải đợi tôi (lúc đó đang là nghiên cứu sinh) làm tiến sĩ thì mới cho cưới khiến 2 gia đình "toát mồ hôi". Rất may, sau đó mọi chuyện cũng thuận lợi", chị Hoa kể.
Dành phần lớn thời gian cuộc đời cho nghiên cứu khoa học và công tác giảng dạy, thế nhưng GS Hoàng Xuân Sính vẫn rất khiêm tốn khi nói về ngày tôn vinh nghề nhà giáo.
"Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày này tôi lại nhớ về những người đồng nghiệp của tôi. Những tháng năm trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, 62 người đi B dạy học (hành quân vào chiến trường miền Nam) thì chỉ có 2 người trở về... Tôi cứ nghĩ mãi câu chuyện đó, cuộc đời của chúng tôi không là gì cả so với những hy sinh đó", bà Sính chia sẻ.